Rất quan trọng những người biết tưởng tượng, biết cầu tiến. Tuy nhiên bạn sẽ không làm được gì nếu như chỉ có ý tưởng, chỉ có mục tiêu mà không có được gì trong tay để hiện thực hóa ý tưởng và mục tiêu ấy.
Steve Jobs đã từng nói rằng bằng cấp không hề quan trọng nhưng để thành công thì không thể không học. Học ở đây mà không liên quan đến bằng cấp thì thường là học từ đường đời, học từ những kinh nghiệm của người đi trước, kinh nghiệm của chính bản thân mình.
Một người bạn đã nói với tôi khi thấy tôi đọc sách rằng hãy bỏ sách xuống và lao vào thực tế đi Bo. Tôi chỉ thầm cười thôi. Bạn ấy cũng có lý của bạn ấy. Cũng không thể trách.
Sách là kinh nghiệm đã được đúc kết của những người viết nên nó, là sự chia sẻ quý báo, là những ghi chú thiết thực của họ dành cho những người muốn học hỏi. Ta không thể trải nghiệm hết mọi điều, ta cũng không thể chờ đến việc làm tốt một việc chỉ sau khi ta đã trải nghiệm chúng. Ta cần phải biết trước khi gặp một vấn đề gì đó.
Việc nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão thông qua trang sách rất quan trọng. Nó cho ta đủ kiến thức và phương tiện cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu của mình.
Sẽ có một lúc bạn sẽ cảm thấy bơ vơ, thấy rõ hòn đảo với đầy đủ thức ăn và nước uống trước mắt mình. Tuy nhiên bạn đang ở trên một chiếc thuyền mà không có gì khác có thể giúp bạn tiến vào bờ. Bạn không biết bơi, thuyền không có chèo, trời không gió, thức ăn cũng không đủ cho bạn tồn tại. Đó là cảm giác bất lực của người lười tự học trên con đường hiện thực hóa mọi điều mình nghĩ.
“Đọc sách, chưa bao giờ là thừa.” Câu trả lời tôi nói với người bạn kia. “Tuy nhiên, chỉ đọc và học thì cũng như việc nấu một bữa ăn thịnh soạn mà không cho ai ăn cả”.
Cảm xúc có được khi tìm được tựa sách “Mathematics for the nonmathematician” (Toán học cho những người không phải là nhà toán học)